23 tháng 12, 2012

CSVN không thay đổi: Chế độ độc tài sẽ sụp đổ không?

   
Lê Nguyên Bình (ĐVDVN)
Khi ông Nguyễn tấn Dũng chỉ đạo Hội nghị Công an toàn quốc chiều ngày 17/12 tại Hà Nội: "...cương quyết không để nhen nhóm hình thành các tổ chức chính trị đối lập...", người cầm đầu nhà cầm quyền CSVN, đã tái khẳng định tiếp tục con đường lãnh đạo một cách độc tài. Thái độ sơ cứng này không có gì mới song nó nhắc nhở cho người Việt ở trong và ngoài nước rằng: Chế độ CSVN không có chủ trương đổi mới chính trị như nhiều người mong đợi.
Mặt khác, chủ trương này giúp cho các “các thế lực thù địch" của chế độ càng có chính nghĩa nhiều hơn. Có thể nói, nó khẳng định thêm lần nữa rằng lời tuyên bố lịch sử của ông Boris Yeltsin "Cộng sản chỉ có thể thay thế chứ không thể thay đổi được!" vẫn đúng -- ít nhất là cho đến thời điểm này, và với hoàn cảnh chính trị đặc thù của Việt Nam.

Thật ra, thể chế chính trị Việt Nam có thể thay đổi được hay không, câu trả lời hiện nay vẫn là từ đảng Cộng sản Việt Nam. Với vị trí quyền lực hiện nay, việc thay đổi cơ chế một cách hòa bình và tốt đẹp là hoàn toàn khả thi. Vấn đề chỉ còn là những người cầm quyền có thật sự muốn thay đổi hay không. Tất cả trở ngại cũng chỉ vì quyền lợi của các cá nhân lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN, song song với lợi ích chung của các nhóm quyền lực trong bộ máy cầm quyền.
Nhân dân muốn đảng cầm quyền hiện nay có một chính sách đổi mới thật sự để Việt Nam có điều kiện sinh hoạt và phát triển bình thường, hầu có thể ganh đua vươn lên cùng thế giới. Các tổ chức đối lập ôn hòa cũng mong thấy nhà cầm quyền đổi mới để các vấn đề có thể được giải quyết một cách tốt đẹp, ôn hòa; để từ đó nước ta sớm có đủ sức mạnh đối đầu với các hành động xâm lấn từ phương Bắc. Những người đảng viên Cộng sản cấp tiến cũng muốn đảng và nhà nước đổi mới để nhìn thấy đất nước thật sự có hòa bình và dân chủ. Thế giới cũng muốn Việt Nam sớm có được một cơ chế nhà nước dân cử -- điều kiện cần thiết để có thể ngăn chận nạn tham ô một cách hữu hiệu.
Mọi người, mọi giới đều muốn đổi mới thật sự, ngoại trừ đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam.  Lý do gì đã khiến đảng CSVN tiếp tục duy trì thái độ độc đoán cố hữu?
Nếu là vì tham lam quyền lực hay ích kỷ quyền lợi thì những người lãnh đạo đảng CSVN sẽ phải gánh chịu lấy hậu quả khi chế độ không còn nữa.
Nếu sự ù lì là do ám ảnh từ nỗi lo bị trả thù, báo oán bởi nạn nhân của những sự đàn áp, trả thù thô bạo trong mấy thập niên qua, thì đó là một lý do không có cơ sở. Bởi lẽ, lịch sử thế giới cho thấy rõ ràng là những chính thể hậu Cộng sản luôn thể hiện tinh thần nhân bản, và chưa có bất cứ một cuộc trả thù tắm máu nào nhắm vào những người của chế độ cũ trước đó. Thông thường, chính phủ mới chỉ truy tố một số kẻ cầm đầu đã tự gây những tội ác to lớn, chứ không trả thù những người thừa hành bình thường trong bộ máy cũ.
Do vậy, dù là sự thay đổi tất nhiên sẽ xảy ra ở Việt Nam, người ta vẫn mong tiến trình dân chủ hóa sẽ phát xuất từ chủ trương đổi mới chính trị của đảng cầm quyền hiện nay. Sự đổi mới chính trị một cách cụ thể sẽ là nền tảng của một giải pháp chính trị thích hợp cho đất nước, để từ đó giải tỏa được nhanh chóng các bế tắc to lớn đang có, và từng bước phục hồi dân chủ, tự do và hòa bình cho toàn dân.
Ngược lại, cho dù hàng ngũ đối lập có đủ mạnh và có tương quan lực lượng đủ lớn hay không, chế độc tài vẫn có thể sụp đổ bất ngờ bởi những biến động xã hội, kinh tế có khả năng dẫn đến một biến động chính trị với chiều hướng giải thể chế độ đương quyền. Với chiều hướng diễn tiến hiện nay, vấn đề không còn là chế độ độc tài toàn trị có thể thay đổi được hay không, mà chỉ còn là thời gian với những áp lực tự nhiên đang chồng chất thêm mỗi ngày.
Trước viễn ảnh không xa đó, trách nhiệm của những người đấu tranh ở trong và ngoài nước là nỗ lực đóng góp hết sức để thúc đẩy tiến trình dân chủ hóa đang diễn ra trong xã hội với nhiều hình thức khác nhau. Đồng thời, luôn chuẩn bị tinh thần cho thời điểm một biến động chính trị sẽ xảy ra, để có thể vận dụng được tối đa cơ hội đó cho việc ổn định tình hình và xây dựng lại đất nước từ những suy tàn, khủng hoảng do chế độ Cộng sản để lại.
Cộng sản Việt Nam ý thức được nguy cơ sụp đổ để thay đổi đường lối thì đảng này có thể tồn tại bằng lá phiếu tín nhiệm còn lại của những người thiên tả. Ngược lại, đảng CSVN chắc chắn sẽ bị nhân dân lên án và đặt ra ngoài vòng pháp luật một khi chế độ bị giải thể bởi sự vùng dậy đầy phẩn hận của đông đảo nhân dân. Đảng CSVN vẫn còn có cơ hội chọn lựa nhưng thời gian đó chắc chắn không còn bao nhiêu nữa.
Lê Nguyên Bình (ĐVDVN)
www.vidan.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn góp ý, dù là với sự bất đồng. Tính khách quan và xây dựng luôn là yếu tố cần thiết cho sự phát triển.