6 tháng 6, 2013

Tại sao lại sợ cải cách chính trị?


Lê Nguyên Bình (ĐVDVN)
Photo courtesy of BBC NewsBiểu tình và đàn áp là thực trạng mâu thuẫn đang xảy ra mỗi ngày một phổ quát hơn ở nước ta. Những người yêu nước và ủng hộ dân chủ đã thúc đẩy phong trào đấu tranh ôn hòa này một cách quyết liệt. Tuy các cuộc biểu tình đều bị dập tắt nhanh chóng, thậm chí có lúc chưa kịp thực hiện, song ảnh hưởng của nó tiếp tục lan tràn như dòng nước đang dâng cao khỏi bờ đê bị động. Bằng sự đàn áp, nhà cầm quyền nhất thời ngăn cản được phần nào sự bộc phát của làn són. Song sự bắt giam, bỏ tù phi lý... không thể dập tắt được tinh thần, ý chí đấu tranh đang sôi sục trong lòng những người yêu nước. Do đó, phong trào biểu tình đang từng bước tiến công, và nhà nước đang phải vất vả chống đỡ một cách vụng về, phản cảm.

Việt Nam không phải là nước duy nhất mà biểu tình bị đàn áp thô bạo, song dù độ đông đảo chỉ hơn 1/1.000.000 dân số (1 phần triệu = 80 người), phong trào biểu tình chống ngoại xâm đã đặt nhà cầm quyền vào một tình thế hoàn toàn bị động và bất lợi. Phong trào này có thể diễn ra ở nhiều địa phương, với nhiều hình thức; và quan trọng hơn cả là với nhiều thành phần xã hội, chính trị khác nhau; đang dần dần trở thành một thử thách chính trị đối với bộ máy nhà nước độc tài.
Đảng CSVN không thể có cách giải quyết nào tốt đẹp và ổn thỏa, nếu như tiếp tục duy trì chế độ độc tài toàn trị.
Nếu các cuộc  biểu tình chỉ diễn ra ở phía Nam, nhà cầm quyền có lý do xuyên tạc dễ dàng là sự chống đối của “tàn dư Mỹ-Ngụy”. Nhưng trong thực tế, phần lớn những cuộc biểu tình, kể cả sự dấn thân của nhiều người trí thức trẻ, lại xảy ra ở thủ đô – nơi đang là vùng đất đầu não của chế độ. Sự biểu hiện thái độ chính trị của những người biểu tình ở Hà Nội là một thách thức lớn cho nhà cầm quyền.
Biểu tình tự nó không giải quyết được các vấn nạn lớn của đất nước nhưng nó là chất xúc tác vô cùng cần thiết để thúc đẩy những cải cách chính trị theo nhu cầu thiết thực của xã hội. Khát vọng vươn lên của xã hội là một đòi hỏi tự nhiên, và bất cứ chính quyền nào cũng phải đối đầu, giải quyết. Đảng CSVN chỉ có hai sự lựa chọn:
  1. Đáp ứng nguyện vọng nhận dân và có cách thỏa đáng hợp lý để cùng tồn tại; hoặc là
  2. Phải tiếp tục đương đầu với áp lực mỗi ngày một to lớn hơn, thậm chí có thể bị đào thải.
Phong trào đấu tranh và biểu tình không thể tự nhiên mà tàn lụi theo thời gian. Đối với hiện trạng Việt Nam, dù nhà cầm quyền giải thích thế nào và đối phó ra sao, thực tế vẫn tiếp tục biểu hiện đầy dẫy những vấn đề nhức nhối của đất nước và xã hội.
Hai vấn đề to lớn và gai góc không thể tránh né được là bảo vệ chủ quyền lãnh thổ ra sao, và cải cách chính trị đất nước như thế nào?
Làm sao để bảo toàn được lãnh thổ, lãnh hải quốc gia khi chế độ phải luôn cần có sự bảo hộ chính trị từ phương Bắc. Vì mâu thuẫn quyền lợi này, những phản kháng ngoại giao tiếp tục chỉ là hành động phản đối lấy lệ và không mang thực chất áp lực nào cả. Về quân sự, CSVN cũng không thuyết phục được công luận về một quyết tâm sẵn sàng đối đầu, khi vừa trang bị tàu ngầm, phi cơ mới nhưng lại gửi cán bộ lãnh đạo quân sự cấp cao đi tập huấn ở nước đang có vấn đề tranh giành lãnh hải.
Vì yếu hèn như vậy, CSVN phải chịu một áp lực to lớn từ những người yêu nước trong và ngoài đảng. Có thể nói, ngày nào đảng CSVN còn bị lệ thuộc vào sự bảo hộ chính trị của Trung Cộng, ngày đó vấn đề bảo vệ chủ quyền của NNVN sẽ vẫn tiếp tục là một hình thức mỵ dân không hơn không kém. Với tình trạng này kéo dài, CSVN sẽ phải tiếp tục bắt giam và xử án tù những người yêu nước – một hành động đã gây bất mãn trầm trọng cho những người yêu nước khác trong nội bộ đảng.
Đất nước nào cũng có thể thay đổi thể chế chính trị nhưng Tổ Quốc vẫn luôn là một. Do vậy, việc NNVN, đồng thời cũng là đảng CSVN, đàn áp và xử án tù những người muốn bảo vệ đất nước là một hành động nghịch lý, đi ngược lại với đạo lý dân tộc và luân lý cách mạng. Họ quên rằng: Lịch sử có thể chỉ phê phán sự sai lầm của các chính sách kinh tế song sẽ không tha tội cho bất cứ chế độ, đảng phái nào nhẫn tâm đàn áp lòng yêu nước của nhân dân.
Bản án dành cho những người trẻ yêu nước như Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình, Nguyễn Phương Uyên, Đinh Nguyên Kha, v.v… là một sai lầm lịch sử của đảng CSVN. Khi tòa án NNVN tuyên án những người yêu nước, họ đã tự khẳng định vị trí của đảng cầm quyền là kẻ thù của quốc gia và dân tộc Việt.
Mặt khác, cũng vì muốn bảo vệ sự độc quyền chính trị, đảng CSVN đã thẳng tay đàn áp những người đấu tranh ôn hòa để đòi hỏi Tự do và Dân chủ. Đảng CSVN và NNVN đã tự bịt đường tự cứu, không ý thức được rằng chính diễn tiến hòa bình là con đường thích hợp và an toàn nhất để họ có thể hạ cánh an toàn.
Nếu cuộc lấy ý kiến sửa đổi Hiến Pháp vừa qua không bị khôi hài hóa bởi đảng cầm quyền, thì tiến trình cải cách chính trị đó là một giải pháp thích hợp và khả thi nhất cho bối cảnh nước ta.
Tiến trình đó không có gì khó hiểu, mâu thuẫn hay nguy hiểm.
Nước ta có thể thay đổi bởi nhiều hình thức khác nhau song nếu Hiến Pháp được thay đổi như đề nghị của những người trí thức trong nước, cục diện chính trị sẽ là một diễn biến tốt và tiên liệu được:
  • Chấp nhận ý kiến sửa đổi Hiến Pháp của giới trí thức và đại biểu quần chúng;
  • Tu chính Hiến pháp hiện hành;
  • Bầu cử thành phần Đại biểu Quốc Hội mới (Lập Pháp);
  • Soạn thảo một bản Hiến Pháp Dân chủ hoàn toàn mới;
  • Bầu cử bộ máy Hành pháp, Tư Pháp;
  • Thẩm định và điều chỉnh các văn kiện luật pháp;
  • Quy định lại các chính sách đối ngoài và đối nội.
Chỉ cần với một tiến trình căn bản như vậy, đất nước đã có được điều kiện cơ bản để có thể đổi mới đúng nghĩa và hiệu quả. Những chính sách khác sẽ được chính phủ mới lần lượt thành hình và thực hiện.
Chấp nhận tiến trình cải cách đó, đảng CSVN sẽ phục hồi lại được nhiều niềm tin đã mất; và sẽ giữ được một vai trò không nhỏ trong tiến trình phát triển đất nước mới; dù là lột xác với tên đảng mới hay giữ nguyên tên đảng đang có. Không ai có quyền ngăn cấm sự hoạt động tiếp tục của đảng CSVN nếu như họ đã có những cải cách chính trị to lớn, đóng góp cụ thể vào tiến trình dân chủ hóa đất nước.
Ngược lại, nếu cứ tiếp tục độc tài toàn trị, đảng CSVN phải đối đầu với một nguy cơ thường trực là bị sụp đổ toàn diện khi nhân dân oán ghét, đảng viên mất niềm tin, và quốc tế xem thường. Trong trường hợp này, rất khó để đảng CSVN có thể được nhân dân chấp nhận hiện diện tiếp tục.
Các tổ chức đối lập có thể chưa có đủ khả năng để giải thể chế độ độc tài nhưng nhân dân Việt Nam luôn có sức mạnh đó. Những người trẻ yêu nước có thể không tự mình thay đổi được vận mệnh quốc gia nhưng tầng lớp cán bộ, đảng viên yêu nước sẽ có đủ khả năng truất phế thành phần bảo thủ cực đoan – một khi nguy cơ mất nước đã lên cao đến mức báo động nghiêm trọng.
Tóm lại, tuy những cuộc biểu tình khiêm nhường đang diễn ra chưa có được tầm vóc và sức mạnh nhưng đó đang là một biểu hiện cho sự đối lập công khai, và cũng là một thước đo lòng yêu nước của đảng cầm quyền.
Đàn áp, bỏ tù những người yêu nước và yêu dân chủ tự do là hành động ngu xuẩn và tự phế của đảng cầm quyền hiện nay.
Cải cách chính trị là con đường tự cứu, tại sao đảng CSVN lại sợ?
Lê Nguyên Bình (ĐVDVN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn góp ý, dù là với sự bất đồng. Tính khách quan và xây dựng luôn là yếu tố cần thiết cho sự phát triển.