2 tháng 1, 2012

Đoàn kết để có thể Cứu Dân Cứu Nước

Đoàn kết là một nhu cầu to lớn cho công cuộc đấu tranh giải trừ độc tài ở nước ta. Tuy nhiên, dù không ai có thể phủ nhận được ý nghĩa và giá trị của sự đoàn kết, thực tế cho thấy phần lớn hoạt động của các tổ chức đấu tranh cũng còn khá riêng lẻ, rời rạc. Thực trạng này là một trở ngại lớn cho tiến trình xây dựng một thực thể đối lập có sức mạnh ở Việt Nam, và trong cộng đồng người Việt ở ngoài nước.

Tình trạng phân hoá giữa người Việt chúng ta trong giai đoạn chiến tranh trước 1975 cho đến nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Đó là một hậu quả kéo dài của cuộc chiến tranh uỷ nhiệm, cộng với thủ đoạn cố tình gây chia rẽ của chế độ CSVN. Một yếu tố không nhỏ khác là hậu quả từ những thất bại, sai lầm trong quá trình sinh hoạt của tập thể người Việt lưu vong.
Thực tế là cho đến nay, chưa có một tổ chức hay cá nhân nào xây dựng được đủ uy tín và hấp lực để tạo thế liên kết lớn, hay một môi trường đoàn kết khả thi. Có thể nói, tình trạng này đang phản ảnh một bối cảnh chính trị vô cùng phức tạp là: Người Việt đang gặp khủng hoảng lãnh đạo vô cùng nặng nề. Sự khủng hoảng bao gồm cả sự thiếu vắng những khuôn mặt lãnh đạo và tổ chức có sức thu hút lớn. Vì thiếu niềm tin ở sự lãnh đạo nên đa số quần chúng vẫn chọn thái độ tiếp tục chờ đợi, dù là sự bất mãn đang mỗi ngày một dâng cao, và chế độ đương quyền cũng mỗi ngày thêm lúng túng.
Nhận diện thực tế đó là điều cần thiết để không vướng mắc ảo tưởng về sức mạnh chưa có được, và đồng thời biết được đâu là vấn đề để tìm kiếm phương hướng giải quyết.
Ý nghĩa và sự cần thiết của Đoàn Kết không phải là vấn đề để bàn cãi, bởi lẽ không có ai phủ nhận giá trị của tinh thần này. Vấn đề là quan niệm đoàn kết như thế nào để mọi người, mọi đoàn thể đều có thể chấp nhận.
Có phải chăng khi mọi tổ chức và cá nhân người Việt đều có cùng chung mục tiêu dân chủ hóa đất nước, thì sự khác nhau về xuất xứ hay phương thức đấu tranh không nhất thiết phải là sự ngăn cách đáng kể?
Chúng ta đều biết rằng: Dù bất cứ tổ chức nào phá vỡ được gông cùm Cộng sản để giải phóng đất nước, thì mọi người sẽ thụ hưởng được kết quả tự do dân chủ như nhau, kể cả những tổ chức, cá nhân không có công đầu trong việc giải thể chế độ độc tài CSVN.
Chúng ta đều biết rằng: Một khi Việt Nam không còn Cộng sản thì chính quyền sau đó sẽ không thể là một chế độ độc tài khác, kể cả trường hợp tổ chức nắm được chính quyền trong buổi giao thời có ý đồ muốn thao túng quyền lực.
Đối với Đảng Vì Dân Việt Nam, xã hội tự do trong thời gian tới sẽ không cho phép bất cứ một tổ chức chính trị nào được có cơ hội áp đặt một chế độ độc đảng lên đất nước Việt Nam.
Nước Việt chắc chắn sẽ có Dân Chủ. Người Việt chắc chắn sẽ có Tự Do. Chúng ta có thể không thể khẳng định được là tiến trình dân chủ hoá Việt Nam sẽ kết thúc ra sao, hay bởi tổ chức, phong trào nào. Song chúng ta có thể an tâm rằng: Một khi chế độ CSVN không còn nữa thì sức bật dậy của cả một dân tộc sẽ có đủ sức mạnh để vực đất nước đứng dậy và cất cánh.
Đoàn kết cũng là cách thực thi quyền dân tộc tự quyết. Một khi dân tộc ta có sự đoàn kết chặt chẽ, thì các thế lực ngoại bang mới kiêng nễ và khó có hành động làm phương hại đến đất nước, đồng bào.
Vậy thì, để biến ước mơ Dân chủ trở thành hiện thực, chúng ta cần cố gắng cảm thông và tương trợ cho nhau trên con đường tranh đấu đầy chông gai thử thách, thay vì cạnh tranh nhau trong lúc này. Giúp sức nhau vượt qua được những chướng ngại do chế độ độc tài gây ra là chúng ta đang cùng dọn trống con đường dân chủ cho tất cả.
Khi đất nước đã có dân chủ thực sự thì các tổ chức, cá nhân đều sẽ có môi trường hoạt động tự do để thi thố tài năng và tinh thần phụng sự, hầu có thể vận động được sự tín nhiệm của đồng bào trong các trách nhiệm lãnh đạo quốc gia. Cơ hội đó mở rộng cho tất cả mọi người, mọi tổ chức một khi đất nước ta không còn chế độ độc tài toàn trị. Ở giai đoạn này, đoàn kết để xây dựng một thực thể chính trị có đủ sức mạnh để thúc đẩy tiến trình giải thể chế độ CSVN là ưu tiên hành động cần có.
Muốn cứu nước cứu dân, phải biết gác qua những dị biệt nhỏ để tạo dựng tương đồng lớn.-

Lâm Thế Nguyên (ĐVDVN)
www.vidan.info
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời bạn góp ý, dù là với sự bất đồng. Tính khách quan và xây dựng luôn là yếu tố cần thiết cho sự phát triển.